Blog Mọi thông tin bạn cần biết về việc áp dụ...

Mọi thông tin bạn cần biết về việc áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường vào chiến lược marketing

Thị trường toàn cầu của thực tế ảo tăng cường (augmented reality, AR), thực tế ảo (virtual reality, VR) và thực tế ảo hỗn hợp (mixed reality, MR) ước đạt gần 300 tỷ USD vào năm 2024, và tổng số lượt tải ứng dụng AR được dự đoán sẽ sớm vượt con số 5,5 tỷ vào năm 2022. Áp dụng công nghệ AR vào thiết bị di động giúp cải thiện hoạt động marketing và các chỉ số đo lường quan trọng như tỷ lệ duy trì (retention rate) và tỷ lệ tương tác (engagement). Hơn nữa, khi đưa AR vào các hoạt động quảng bá, bạn có thể mang đến trải nghiệm mới và hấp dẫn cho người dùng. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết về công nghệ AR, cơ chế hoạt động và lợi ích mà loại công nghệ này đem đến.

Thực tế ảo tăng cường (AR) là gì?

AR là một loại công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo vào thế giới thực. AR bao gồm âm thanh, hình ảnh và chữ cái. Để triển khai AR, nguyên tắc cơ bản là chồng lớp các yếu tố trên, giúp người dùng xem được hình ảnh ba chiều của sự vật thông qua thiết bị số. Ngay cả những lãnh đạo trong ngành, như Tim Cook — CEO tại Apple — cũng rất quan tâm đến AR. Ở buổi công bố lợi nhuận quý 1 năm 2020, ông cho biết: “Hiếm khi nào mà chúng ta phát triển được một loại công nghệ mới mà doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đánh giá cao. Vì vậy, tôi cho rằng, AR sẽ sớm có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống.”

Nếu nói về một trường hợp đã áp dụng thành công AR vào ứng dụng di động, thì phải kể đến Pokemon GO. Được phát triển bởi công ty phát triển phần mềm Niantic, Pokemon GO đã bổ sung AR để người dùng được trải nghiệm game một cách chân thực - người dùng có thể tìm và bắt Pokemon ngay trong thế giới thực.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

Game tương tác ảo Pokemon GO nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu và thu về 207 triệu USD chỉ trong tháng đầu tiên— cao hơn bất kỳ game nào khác. Sau ba tháng ra mắt, game trở nên phổ biến đến mức, tính trong nhóm 20 game Android đứng đầu, Pokemon GO chiếm đến 45% thời lượng người dùng bỏ ra để chơi game Android. Nhưng AR không chỉ hữu dụng cho mỗi game. Instagram và Snapchat là hai ví dụ cho thấy AR hoàn toàn có thể áp dụng vào mạng xã hội để cải thiện trải nghiệm và tăng mức độ tương tác của người dùng. Cụ thể, Snapchat đã cho ra mắt “City Painter” vào năm 2020. Người dùng có thể phun sơn ảo lên các cửa hàng trên phố để tạo ra các mảng màu bắt mắt. Cùng năm, Snapchat đã giới thiệu thêm chức năng Local Lenses.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

Mobile AR là gì?

Ý tưởng đằng sau mobile AR khá đơn giản — đó là bạn có thể mang theo công nghệ AR mọi lúc mọi nơi và sử dụng AR ngay khi đang di chuyển. Để sử dụng mobile AR, bạn cần một thiết bị phần cứng — một chiếc điện thoại thông minh có cấu hình đơn giản là đủ. Một số điện thoại thông minh được trang bị thêm ứng dụng native AR, ví dụ điện thoại Samsung có ứng dụng AR Zone, cung cấp các tính năng như AR Emoji và AR Doodle. Các ứng dụng bên thứ ba như Snapchat cũng đem đến công nghệ AR tương tự.

Sự khác biệt giữa thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR)

Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý, đó là AR và VR không giống nhau. VR là bạn tạo ra một môi trường số. Còn với AR, bạn đưa thông tin số vào thế giới thực. Số lượng người dùng AR ước tăng 17% vào năm 2022. Chỉ tính riêng tại Mỹ, hiện đã có đến 83,1 triệu người sử dụng AR hàng tháng. AR phổ biến hơn VR vì cho phép truy cập ngay trên thiết bị mà gần như ai cũng đem theo hàng ngày. Việc game Pokemon GO làm mưa làm gió cả năm 2016 cũng góp phần đưa ứng dụng AR trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

AR và chiến dịch marketing trên thiết bị di động (mobile marketing)

Một trong những đóng góp rõ ràng nhất của AR trong lĩnh vực quảng cáo là góp phần tăng tương tác và tạo trải nghiệm độc nhất với sản phẩm. Hãy cùng xem xét IKEA Place. Đây là một trong những ứng dụng đầu tiên sử dụng ARKit — AR framework của Apple.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

IKEA Place sử dụng công nghệ AR để người dùng dễ dàng đặt thử đồ nội thất của IKEA vào từng vị trí trong căn nhà. Năm 2018, IKEA Place đứng thứ hai về mức độ phổ biến dựa trên số lượt tải (nhóm ứng dụng miễn phí và được xây dựng trên ARKit của Apple). Hiện rất nhiều công ty đã học tập cách làm này của IKEA, phát triển các ứng dụng giúp người dùng dễ dàng cảm nhận sản phẩm trong không gian thực. Ví dụ, Benjamin Moore đã phát triển ứng dụng có tên Color Portfolio, cho phép thử mọi loại màu sắc cho căn phòng.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

Mức độ đóng góp của AR vào sự thành công của chiến lược marketing còn phụ thuộc vào thị trường mục tiêu. Bạn cần tiến hành nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu để hiểu đúng thói quen của người dùng. Quan trọng là, bạn cần kiểm chứng các giả thuyết để chắc rằng, việc bạn bổ sung AR vào chiến lược marketing là một quyết định sáng suốt.

Cơ chế hoạt động của AR

AR sẽ ghi lại marker (điểm đánh dấu, ví dụ khuôn mặt của người dùng) và các lớp mà camera đã chụp được cùng nội dung số cần được hiển thị. Nếu bạn đang tự hỏi, “Nhưng AR làm vậy bằng cách nào?”, thì có lẽ bạn cần biết đến các công cụ hỗ trợ tạo trải nghiệm AR tuyệt vời trên cả thiết bị iOS và Android.

ARKit

ARKit là nền tảng AR do Apple phát triển. ARKit sử dụng chức năng People Occlusion để hiển thị nội dung ở phía trước hoặc sau lưng người dùng. ARKit có thể nhận diện đến ba khuôn mặt cùng lúc, cho phép người dùng cùng nhau trải nghiệm AR. Apple còn cung cấp các công cụ như Reality Composer và AR Quick Look để bạn dễ dàng tạo trải nghiệm AR hơn. Bạn có thể truy cập trang web dành riêng cho AR của Apple để tìm hiểu thêm về ARKit.

ARCore

ARCore của Google sử dụng API để kích hoạt cảm biến trong thiết bị di động, cho phép cảm biến nhận diện môi trường và tương tác với thông tin. ARCore bao gồm, theo dõi chuyển động (motion tracking), phân tích môi trường (environmental understanding) và ước lượng ánh sáng (light estimation). Để hỗ trợ chia sẻ trải nghiệm AR, một số API đã có mặt trên cả Android và iOS. Để tìm hiểu thêm về ARCore, bạn có thể đọc thêm tài liệu của Google.

ARKit của Apple hay ARCore của Google đều là các công cụ giúp bạn dễ dàng triển khai công nghệ AR, và sự thành công của các ứng dụng “đời đầu” như Pokemon GO và IKEA Place đã giúp các nhà phát triển có thêm động lực để tập trung đầu tư vào loại công nghệ tương tác này. Những người chịu trách nhiệm cho chiến dịch marketing cũng có thể sử dụng AR để cải thiện trải nghiệm — như thêm các thông điệp và yếu tố mà người dùng có thể tương tác. Trong trường hợp của Volvo, công ty thậm chí còn đưa ra thêm một ứng dụng khác của AR, đó là lái thử trong môi trường thực tế ảo hỗn hợp (MR).

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

4 loại công nghệ AR

Trước khi đầu tư vào AR, bạn cần tìm hiểu các loại AR dành cho chiến dịch marketing hiện có trên thị trường. Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn về từng loại và khác biệt giữa chúng.

  1. ** Marker-based augmented reality/AR dựa trên điểm đánh dấu**
    Trong trường hợp này, camera của thiết bị sẽ được sử dụng để nhận diện marker (ví dụ mã vạch) để cung cấp các thông tin liên quan đến đối tượng đang có trên màn hình. Để loại hình AR này hoạt động hiệu quả, hình ảnh do camera chụp được phải rõ ràng, có thể được đánh dấu bởi các điểm riêng biệt. Catalog của Hector & Karger là một ví dụ sử dụng công nghệ Marker-based augmented reality.

  2. Markerless augmented reality/AR không dựa trên điểm đánh dấu
    Thông qua nguồn dữ liệu như gia tốc kế và chức năng theo dõi GPS, loại hình AR này có thể xác định vị trí và đo lường tốc độ. Thiết bị có thể hiển thị đối tượng phù hợp với môi trường của camera. Markerles AR đặc biệt phù hợp với ứng dụng bản đồ, giúp người dùng tìm kiếm địa điểm dễ dàng trong khu vực; hoặc các ứng dụng cần xác định vị trí địa lý của người dùng.

  3. Superimposition-based augmented reality /AR dựa trên phác thảo
    Loại hình AR này sử dụng chức năng nhận diện đối tượng để thay thế hoặc thay đổi hình ảnh thực. Nhận diện đối tượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để loại hình này hoạt động hiệu quả. Khi bạn đặt một chiếc ghế sofa ảo vào phòng khách qua ứng dụng IKEA Place, thì công nghệ bạn đang sử dụng chính là Superimposition-based augmented reality.

  4. Projection-based augmented reality/AR dựa trên phóng chiếu

    Loại hình AR này sẽ phóng ánh sáng ảo vào không gian thực và chủ yếu được sử dụng cho các sự kiện có quy mô lớn, ít được áp dụng đối với marketing di động.Trong video bên dưới, Microsoft Research sẽ giúp làm rõ trải nghiệm đến từ Projection-based augmented reality, hay còn được biết đến với tên gọi, Spatial augmented reality.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

6 lợi ích của việc áp dụng AR vào chiến dịch marketing

Giống như mọi chiến lược quảng bá khác, AR marketing cũng có ưu nhược điểm. Dù vậy, AR vẫn đem lại một số lợi ích to lớn mà bạn không thể tìm thấy ở các phương pháp marketing truyền thông khác. Nếu có thể khai thác lợi thế của AR vào quảng cáo, thì bạn sẽ đi trước đối thủ một bước và tạo tiếng vang lớn tại thị trường mục tiêu.

  1. Cải thiện trải nghiệm của khách hàng
    Để đem đến cho người dùng những trải nghiệm độc đáo và thú vị, bạn có thể cân nhắc bổ sung AR vào chiến lược marketing trên thiết bị di động. Một lần nữa, hãy lấy IKEA Place làm ví dụ. Nhờ có IKEA Place, người dùng không còn phải mất thời gian và công sức để tính toán làm sao đặt vừa đồ nội thất vào từng vị trí, cũng như biết trước được đồ nội thất sắp mua có hài hòa với không gian căn nhà hay không. Mặt khác, AR còn làm đơn giản hóa UX. Với việc giúp lên kế hoạch mua sắm một cách nhanh gọn, IKEA Place khiến người dùng thấy an tâm vào lựa chọn của mình và tiếp tục mua đồ tại IKEA. Điều này còn đồng nghĩa, ít người quay lại hoàn trả hàng.

  2. Tăng tương tác

    Bạn có thể khuyến khích người dùng tương tác thường xuyên với ứng dụng bằng cách thêm AR vào chiến lược marketing. AR có tính tương tác cao, nên người dùng sẽ muốn quay lại để trải nghiệm nhiều hơn. Bạn còn có thể sử dụng AR để cho phép người dùng thử đồ trước khi mua. Giống như IKEA, Wayfair tạo điều kiện cho người dùng xem trước sản phẩm trong không gian của họ, thậm chí còn hiển thị sản phẩm ngay trước mắt người dùng để tăng độ chân thực.

Theo yêu cầu của Youtube, bạn cần chấp nhận marketing cookies để có thể xem video này.

  1. Tăng tỷ lệ duy trì (retention rate)
    Một lợi ích khác mà AR đem đến cho marketing là giúp giữ chân người dùng. AR giúp nâng cao nhận diện thương hiệu và tăng kết quả kinh doanh. Biên tập viên Sara Castellanos đến từ Wall Street Journal cho biết, AR “là một công cụ giúp trực quan hóa dữ liệu hiệu quả, vì nó tác động vào phần nhận thức trong não bộ, giúp con người hiểu các khái niệm phức tạp nhanh hơn, từ đó tăng đáng kể tỷ lệ duy trì.”

  2. Xác định vị trí của người dùng để tăng doanh số bán hàng
    Người làm marketing đã và đang sử dụng chức năng định vị (geo-targeting) để đẩy mạnh chiến lược quảng bá, và AR có thể đưa chức năng này tiến thêm một bước. Ví dụ, bạn có thể sử dụng chức năng này vào AR marketing để giúp người dùng tìm thấy cửa hàng nhanh chóng.

  3. AR đem đến giải pháp cá nhân hóa
    Nếu có đúng dữ liệu, thì AR có thể đem đến trải nghiệm phù hợp cho từng người dùng tiềm năng. Cá nhân hóa có thể làm tăng đáng kể hiệu quả quảng cáo. 59% người dùng cho biết họ đã từng mua sản phẩm nhờ quảng cáo cá nhân hóa. Hơn nữa, nếu xét hiện tại chỉ 18% ứng dụng di động tiến hành cá nhân hóa, thì đây chính là địa hạt bạn cần khai thác để vượt lên trên đối thủ.

  4. Tăng nhận diện thương hiệu và lòng trung thành với thương hiệu
    AR là một công cụ hiệu quả giúp người dùng biết đến thương hiệu và trở thành khách hàng thân thiết. Bởi vì người dùng rất thích chia sẻ trải nghiệm AR trên mạng xã hội. Ví dụ, Gucci đã đưa AR vào trong ứng dụng của hãng, cho phép người dùng thử nhiều kiểu giày khác nhau.
    AR còn là một phương pháp marketing B2B đáng giá. Ví dụ, bạn có thể sử dụng AR để trình bày bản demo dự án, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sản phẩm. Đây cũng là cách khiến gian hàng của bạn trở nên nổi bật hơn tại các buổi hội nghị và triển lãm.

Xét số lượt tải ứng dụng AR sẽ sớm vượt con số 5,5 tỷ vào năm 2022, bạn cần nhanh chóng thử nghiệm phương pháp marketing này với tệp người dùng mục tiêu, trước khi bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tranh khốc liệt này. Để tìm hiểu thêm về mobile marketing, hãy đăng ký nhận tin từ chúng tôi qua email và đọc các bài viết mới nhất trên trang blog của Adjust. Bạn cũng có thể đọc thêm "Mô hình kiếm tiền trên ứng dụng” và giải pháp tăng trưởng với tự động hóa marketing.

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.