Blog Các phân khúc và thị trường giúp ứng dụn...

Các phân khúc và thị trường giúp ứng dụng Trung Quốc được ưa chuộng trên khắp thế giới

Sự thành công của ứng dụng trước hết được đo lường tại thị trường nội địa, sau đó mới đến thị trường quốc tế. Nhưng nhiều nhà phát triển và đội ngũ marketing tại Trung Quốc lại không chọn theo hướng này. Ngay từ đầu, họ đã tập trung chính vào các thị trường ngoài nước. Các tựa game do Trung Quốc sản xuất như PUBG, Genshin Impact và Honor of Kings nằm trong top bốn ứng dụng có doanh thu cao nhất trên toàn cầu vào năm 2021. Cả ba tựa game này đều ghi nhận tổng doanh thu trên 1 tỷ USD, trong đó PUBG nổi bật hơn cả với mức doanh thu 2,01 tỷ USD. Ứng dụng còn lại của top 4 càng không phải là một cái tên xa lạ — TikTok của Trung Quốc.

Do vậy, chúng tôi quyết định phân tích ứng dụng Trung Quốc trên quy mô toàn cầu nhằm xác định: đối với các ứng dụng đến từ đất nước tỷ dân, thị trường nào đóng góp nhiều doanh thu nhất và phân khúc nào mang lại mức tăng trưởng mạnh nhất.

Ba phát hiện đáng lưu ý

  • Indonesia, Singapore và Phillipines đang phát cuồng với các ứng dụng đến từ Trung Quốc — dù là phân khúc nào, ứng dụng Trung Quốc đều ghi nhận số lượt cài đặt khổng lồ. Ấn Độ, Mỹ và Brazil cũng đứng top đầu.
  • Xét theo thị phần ứng dụng (phần trăm số lượng ứng dụng Trung Quốc có mặt tại trị trường), ba quốc gia đứng đầu là Mỹ, Ấn Độ và Vương quốc Anh.
  • Xét theo phân khúc ứng dụng, ứng dụng Trung Quốc ở các mảng tiện ích, giải trí và game là được tải về nhiều nhất.

Số lượt cài đặt ứng dụng Trung Quốc, theo khu vực địa lý

Hãy cùng phân tích tỷ lệ phân phối. Dưới đây là năm quốc gia đứng đầu về số lượng ứng dụng Trung Quốc. Nếu lấy tổng là tất cả ứng dụng Trung Quốc có trong tệp mẫu của chúng tôi, thì có bao nhiêu ứng dụng trong số đó được phát hành tại các quốc gia này?

Trong tổng số ứng dụng Trung Quốc có trong tệp mẫu của Adjust, 78% được phát hành tại Mỹ — Ấn Độ là 59%, Vương quốc Anh là 49%, Philippines là 47%, Singapore là 47%.

Chúng ta đã biết số lượng ứng dụng Trung Quốc có mặt tại các thị trường lớn, giờ hãy thử phân tích sâu hơn một chút. Số lượt cài đặt ứng dụng Trung Quốc chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số lượt cài đặt tại các quốc gia đó? Nghĩa là, nếu 78% ứng dụng Trung Quốc có mặt tại Mỹ, thì số lượt cài đặt của các ứng dụng này chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng số lượt cài đặt được ghi nhận tại Mỹ?

Nếu phân tích theo hướng này, thì thứ tự trên bảng xếp hạng bị đảo lộn khá đáng kể. Myanmar dẫn đầu với 32% ứng dụng trên thị trường là Trung Quốc, sau đó đến Mỹ (7%) và Vương Quốc Anh (5%).

Tỷ trọng cài đặt, theo phân khúc ứng dụng

Không thể phủ nhận là các ứng dụng Trung Quốc cực kỳ phổ biến trên thế giới, có mặt từ Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu -Trung Đông - châu Phi (EMEA) đến châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Game có lẽ là phân khúc nổi tiếng nhất, nhưng các phân khúc ứng dụng khác thì sao?

Hóa ra, số lượt cài đặt của ứng dụng game đứng thứ ba. Ứng dụng tiện ích của Trung Quốc (như VPN, trình đọc PDF, đèn pin…) mới là loại ứng dụng được ưa chuộng nhất, chiếm 29% tổng số lượt cài đặt ứng dụng tiện ích trên toàn cầu. Tiếp theo là giải trí với 16%, và game với 13%.

Số lượt cài đặt, theo khu vực địa lý và phân khúc ứng dụng

Như đã phân tích ở trên, ứng dụng Trung Quốc được tải về nhiều nhất ở phân khúc tiện ích. Mặc dù số lượt tải ứng dụng tiện ích Trung Quốc đều cao ở tất cả quốc gia và thị trường, nhưng có một số quốc gia có số lượt tải cao hơn hẳn. Ở Philippines và Indonesia, khoảng 45% tổng số lượt cài đặt ứng dụng tiện ích là đến từ ứng dụng Trung Quốc, theo sau là Ai Cập (44%), UAE (37%) và Ấn Độ (36%).

Đối với phân khúc giải trí, bảng xếp hạng có những cái tên rất khác. Nepal đứng đầu, với ứng dụng Trung Quốc chiếm 68% tổng số lượt tải ứng dụng giải trí. Ấn Độ (41%), Bangladesh (40%) và Pakistan (31%) cũng có kết quả ấn tượng không kém. Nhìn chung, ứng dụng giải trí Trung Quốc dường như thịnh hành tại châu Á và Trung Đông. Cũng cần nhắc qua Brazil, một quốc gia Mỹ Latinh với tỷ lệ đến 6%.

Đối với phân khúc game, Indonesia và Singapore có tỷ trọng lượt cài đặt ứng dụng Trung Quốc cao nhất — 28%. Tiếp theo là Philippines (24%), Campuchia (23%) và Việt Nam (21%). Giống như bên phân khúc giải trí, ứng dụng game Trung Quốc rất thịnh hành tại châu Á, nhưng cũng đồng thời phổ biến tại châu Âu - Trung Đông - châu Phi và Bắc Mỹ. Ứng dụng Trung Quốc chiếm 11% tổng số lượt cài đặt ứng dụng game tại Nga, 9% tại Đức, 8% tại Pháp, và 7% tại Vương Quốc Anh và Mỹ (7% cũng là tỷ lệ tại Nhật Bản). Brazil cũng có tỷ lệ khá cao — 12%.

Thị trường chính và thị trường mang lại doanh thu cao

Mỗi phân khúc ứng dụng sẽ có thị trường hoạt động riêng, nhưng dường như ứng dụng Trung Quốc lại đạt được kết quả tốt ở tất cả phân khúc ứng dụng và trên toàn cầu. Nhà phát triển và nhà quảng cáo Trung Quốc thường lựa chọn thị trường mục tiêu dựa trên mô hình kiếm tiền của ứng dụng và mức độ phổ biến của mô hình đó trên thế giới.

Bên cạnh đó, bất kể ứng dụng thuộc phân khúc nào, luôn có hai con đường đầy tiềm năng để lựa chọn. Một là tập trung tăng mạnh số lượt cài đặt (có lẽ phù hợp với game hyper-casual), hoặc tìm người dùng trung thành và có LTV cao (có lẽ phù hợp với ứng dụng giải trí). Ở một số thị trường nhất định như Mỹ, mặc dù doanh thu thường được đảm bảo, nhưng chi phí để có được một người mới lại cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Indonesia và Ấn Độ là hai thị trường tuyệt vời cho chiến dịch tăng số lượt cài đặt, nhưng doanh thu mang về lại không cao.

Bạn cần hiểu rõ các thị trường quốc tế và tìm kiếm các quốc gia có thể làm bệ phóng tốt cho ứng dụng (ví dụ, Indonesia). Bạn có thể thử phát hành ứng dụng tại các quốc gia này, trước khi tấn công sang các thị trường có mức sinh lợi cao nhưng số lượt tải thấp.

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.