Blog Công nghệ di động và tiền điện tử năm 20...

Công nghệ di động và tiền điện tử năm 2022 – Phần 4: Tệp người dùng của ứng dụng tiền điện tử & tiền số tăng mạnh

Như chúng tôi có phân tích trong báo cáo Thế giới Fintech: Tiền số 2022, tiền điện tử đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn trong những năm vừa qua. Sự quan tâm này đã đưa tiền điện tử bước vào lĩnh vực công nghệ di động. Các nhà quảng cáo và nhà phát triển đã nỗ lực tìm và khám phá các hướng đi tối ưu nhằm thúc đẩy làn sóng sử dụng tiền điện tử và xây dựng ứng dụng trở thành kênh đầu tư chính của những người quan tâm đến tài sản số.

Mặc dù “tiền điện tử” vẫn còn là một phân khúc tương đối mới trong ngành công nghệ di động, nhưng các ứng dụng thuộc phân khúc này đang cho thấy tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tiền điện tử trở thành một hiện tượng của nền văn hóa đại chúng và cả nền kinh tế toàn cầu là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người dùng đối với Bitcoin, sự xuất hiện của stablecoin, tài chính phi tập trung (deFi), memecoin, NFT, game và metaverse.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích biểu đồ tăng trưởng của hai chỉ số quan trọng – số lượt cài đặt (install) và số phiên truy cập (session) – trong những năm gần đây. Biểu đồ sẽ giúp các nhà quảng cáo hiểu rõ hơn về cơ hội khổng lồ mà phân khúc này mang đến trong năm 2022.

Ứng dụng tiền điện tử – số lượt tải, số lượt cài đặt và tốc độ tăng trưởng

Năm 2021 thực sự là một năm bùng nổ của ứng dụng tiền điện tử, khi số lượt tải và số lượt cài đặt tăng vọt. Không chỉ giữ ổn định đà tăng trưởng kể từ lần tăng mạnh vào quý 4 năm 2017, mà ứng dụng còn ghi nhận thêm cột mốc tăng mới về số lượt tải xuống trong năm 2020 — cụ thể 64% so với cùng kỳ năm ngoái (dựa theo dữ liệu của Apptopia). Đến năm 2021, số liệu tăng phi mã đến 401%.

Diễn biến tăng trưởng trong năm 2021 cũng rất đáng chú ý. Từ quý 2 đến quý 3 năm 2021, số lượt tải giảm 49%, sau đó phục hồi mạnh vào quý 4, đạt 106%. Biểu đồ tăng trưởng này lên xuống cùng nhịp với biến động giá của Bitcoin và tiền điện tử nói chung, từ đó cho thấy các biến động này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng người dùng (UA) và tái kết nối người dùng (user reengagement). Đợt tăng đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm 2021 khi giá Bitcoin lên gần 64.000 USD. Đợt tăng tiếp theo vào tháng 11 đồng thời thiết lập kỷ lục mới — 69.000 USD.

Các số liệu của Adjust cho thấy, trong năm 2021, nửa cuối năm có cùng kịch bản tăng trưởng như nửa đầu năm, thể hiện qua số lượt cài đặt tăng 304% từ cuối tháng 6 đến tuần đầu tiên của tháng 8, ngay sau đó giảm 45% trong tháng 9, và lại đạt mức tăng kỷ lục ngay trong tháng 11 (cùng thời điểm đồng Bitcoin tăng giá kỷ lục).

Khi xem xét dữ liệu theo quy mô khu vực, ta thấy: mặc dù mỗi khu vực đặt ra các quy định và điều kiện khác nhau cho hoạt động quảng cáo — thậm chí phát triển — ứng dụng, nhưng tất cả khu vực đều có mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2020-2021. Cụ thể, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA), nơi có nhiều quốc gia chấp nhận tiền điện tử, tăng 572% về số lượt cài đặt. Đây là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận trong khoảng thời gian khảo sát. Khu vực đứng thứ hai là Bắc Mỹ, với 230%.

Khi đặt ứng dụng tiền điện tử trong mối tương quan so sánh với các phân khúc phụ khác của fintech, có thể thấy: mặc dù các phân khúc phụ cũng phát triển vượt bậc trong 24 tháng qua nhờ thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19 đã làm tăng tốc độ số hóa trên toàn cầu, nhưng mức tăng lượt cài đặt còn rất khiêm tốn khi so với ứng dụng tiền điện tử. Các ứng dụng ngân hàng số (27%), thanh toán (25%), và giao dịch chứng khoán (31%) đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, các con số này hoàn toàn bị lu mờ khi so với mức tăng 455% của ứng dụng tiền điện tử.

Số lượng ứng dụng phát hành trên App Store cũng tăng khá ổn định. Biểu đồ bắt đầu tăng ổn định từ năm 2017 và 2018, đây cũng là khoảng thời gian thị trường tiền điện tử bước vào đợt tăng giá đầu tiên. Số lượng ứng dụng trượt dốc dần trong năm 2019 và đầu năm 2020, sau đó tăng lại từ tháng 7 năm 2020 cho đến nay. Hồi tháng 6 năm 2018, Apple phát hành chính sách mới về quyền riêng tư để điều chỉnh ứng dụng tiền điện tử – tác động của chính sách có thể thấy rõ ngay trên biểu đồ tăng trưởng này. Các quy định mới bao gồm: Apple nghiêm cấm đào tiền điện tử trên iOS, yêu cầu chỉ có các tổ chức tài chính đã đăng ký với sở chứng khoán mới được cung cấp chứng khoán dạng tiền điện tử, và nghiêm cấm ứng dụng lấy tiền điện tử để thưởng cho người chơi sau khi họ hoàn thành một nhiệm vụ/thực hiện một hoạt động trong ứng dụng.

Ứng dụng tiền điện tử — phiên truy cập và tệp người dùng

Khi thị trường ứng dụng tiền điện tử càng ổn định, thì xu hướng và hành vi đặc trưng của tệp người dùng càng dễ nhận diện. Căn cứ trên tỷ lệ duy trì khá cao của phân khúc này (chúng tôi sẽ đề cập chi tiết trong phần tiếp theo của loạt bài viết này), không có gì ngạc nhiên khi ứng dụng tiền điện tử có tỷ lệ rời bỏ thấp và số phiên truy cập cao.

Theo số liệu của Apptopia, số phiên truy cập tăng 63% trong giai đoạn 2019-2020, sau đó tăng vọt lên 567% vào năm 2021.

Theo số liệu 6 tháng cuối năm 2021 của Adjust, số phiên truy cập tăng dần đều trong quý 3 và quý 4, và tăng 300% từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2021.

So với các thành viên khác của “đại gia đình” fintech, ứng dụng tiền điện tử có thời lượng phiên dài hơn rất nhiều. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, các ứng dụng ngân hàng và thanh toán đương nhiên sẽ có thời lượng phiên ngắn hơn rất nhiều vì người dùng chỉ mất vài giây để giải quyết xong công việc. Vì thế, sự so sánh này không hẳn nói lên được toàn bộ câu chuyện. Thời lượng phiên trung bình của ứng dụng tiền điện tử trong năm 2021 là 15,16 phút, ứng dụng giao dịch chứng khoán là 11,71 phút, ứng dụng thanh toán là 5,02 phút, và cuối cùng ứng dụng ngân hàng là 5,01 phút.

Khi nhìn sang khu vực, có thể thấy: châu Âu, Trung Đông & châu Phi (EMEA) không chỉ dẫn đầu về số lượt cài đặt, mà còn về số phiên truy cập với mức tăng đến hơn 1000%. Bắc Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai với 544%, sau đó là châu Á - Thái Bình Dương (APAC) với 159%.

Đối với các phân khúc phụ của fintech, chỉ số này cũng có tăng trong giai đoạn 2020-2021. Nhưng cũng như khi so sánh về chỉ số lượt cài đặt, con số này lại chẳng là bao so với đà tăng cực sốc 729% của tiền điện tử. Để có cái nhìn tổng quát hơn, hãy nhìn vào tốc độ tăng số phiên truy cập của phân khúc phụ xếp thứ hai là ứng dụng giao dịch chứng khoán: 135%. Xét cho cùng, đây vốn đã là một con số rất ấn tượng.

Để đặt chân vào thị trường tiền điện tử hoặc để tối ưu hóa chiến lược phát triển, nhà quảng cáo và nhà phát triển cần xác định được khi nào người dùng có đầy sự hứng thú đối với thị trường này, khi nào thì không mấy mặn mà. Dù đôi khi tốc độ tăng trưởng không như chúng ta kỳ vọng, nhưng vào các đợt tăng kỷ lục của thị trường, người dùng mới mà ứng dụng có được thường có giá trị cao — truy cập ứng dụng thường xuyên, và có thời gian sử dụng dài mỗi lần đăng nhập. Để giành được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, ứng dụng cần liên tục tìm kiếm giải pháp để người dùng luôn tương tác thường xuyên với ứng dụng, bất kể biến động lên xuống của thị trường. Bạn có thể thêm một số tiện ích (tính năng mới, tích hợp mạng quảng cáo, danh mục tài sản, tài liệu nghiên cứu) để duy trì sức hút của ứng dụng với người dùng, đồng thời thu hút người dùng mới.

Bên cạnh đó, ứng dụng cần khai thác dữ liệu một cách tối đa qua các giải pháp đo lường để hiểu được hành vi của người dùng, thời điểm tốt nhất để tương tác với người dùng và tạo doanh thu từ họ, cách phân nhóm người dùng thành cohort, cũng như cách cải thiện chiến lược tăng trưởng và giữ chân người dùng.

Tải báo cáo Thế giới Fintech: Tiền số 2022 để hiểu rõ hơn về xu hướng thị trường và các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong thế giới tiền điện tử đầy biến động để áp dụng hiệu quả vào chiến lược mobile marketing của doanh nghiệp.

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.