Blog Hướng dẫn xây dựng kế hoạch marketing ch...

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch marketing cho ứng dụng giao đồ ăn

Thị trường giao đồ ăn hiện trị giá 106,1 tỷ USD trên toàn cầu, riêng Mỹ là hơn 30 tỷ USD. Doanh thu của các ứng dụng giao đồ ăn tại Mỹ ước đạt đến 42 tỷ USD vào năm 2025 — sau khi đã chinh phục mốc 28 tỷ USD vào năm 2021. Khi người dùng ngày càng chuộng đặt đồ ăn qua ứng dụng, thậm chí biến việc này thành một phần cuộc sống hàng ngày, thì nhà quảng cáo cần biết cách tìm đến người dùng. Trong hướng dẫn này, chúng tôi sẽ phân tích các bước cần thực hiện để tạo một chiến lược marketing toàn diện cho ứng dụng giao đồ ăn.

Ứng dụng giao đồ ăn là gì?

Một cái tên thì có thể mô tả một thứ rộng đến đâu? Trong trường hợp của ứng dụng giao đồ ăn, thì cái tên mô tả một phạm vi rất rộng. Khi nghe tên “giao đồ ăn”, bạn có thể thoáng nghĩ rằng, loại ứng dụng này chỉ cung cấp duy nhất dịch vụ “giao đồ ăn”. Nhưng thực ra, ứng dụng còn rất nhiều dịch vụ khác.

Từ cửa hàng đến thực khách (Restaurant-to-consumer)

Rất nhiều cửa hàng, kể cả cửa hàng thuộc các chuỗi pizza luôn được biết đến với tốc độ giao hàng nhanh như Domino và Pizza Hut, đang đầu tư xây dựng ứng dụng riêng theo dạng D2C (direct to customer). Mô hình “từ cửa hàng đến thực khách” đặc biệt phù hợp với các cửa hàng đã đầu tư nhiều vào hệ thống giao hàng và có sẵn đội ngũ tài xế. Các cửa hàng này thường sử dụng mô hình “từ cửa hàng đến thực khách”để loại bỏ các bước trung gian và giữ toàn bộ lợi nhuận thu về.

Từ nền tảng đến thực khách (Platform-to-consumer)

Mô hình “từ nền tảng đến thực khách” phù hợp với các cửa hàng không có đội ngũ tài xế riêng. Các ứng dụng như DoorDash, Grubhub, Postmates và UberEats thường tổng hợp menu từ nhiều cửa hàng khác nhau, giúp danh sách món ăn trên ứng dụng phong phú và trải đều cho các bữa ăn trong ngày. Nhà phát hành ứng dụng thường là bên chịu trách nhiệm tuyển tài xế. Họ sẽ lấy hoa hồng theo một tỷ lệ phần trăm nhất định trên mỗi đơn hàng cho công marketing và giao đồ ăn.

Đi chợ hộ

Khi nghe đến dịch vụ giao đồ ăn, có lẽ điều đầu tiên bạn nghĩ đến là ứng dụng này được dùng để mua đồ ăn mang đi. Nhưng phân khúc giao đồ ăn vừa chào đón một loại hình dịch vụ mới — đi chợ hộ. Dịch vụ này được đón nhận tích cực vào năm 2021. Với các ứng dụng như Instacart, người dùng có thể dễ dàng mua đủ nguyên liệu cho bữa tối hoặc nhận nhanh một mặt hàng nhu yếu phẩm chỉ sau 10 phút đặt hàng.

Meal kit – Phần ăn sơ chế sẵn

Thành viên cuối cùng của phân khúc giao đồ ăn là ứng dụng giao phần ăn sơ chế sẵn (meal-kit) như HelloFresh và BlueApron. Người dùng sẽ mua các phần ăn đã được sơ chế sẵn, và hoàn thiện bước cuối tại nhà. Phần ăn có thể ở dạng nguyên liệu, tức là người dùng cần chế biến theo công thức; hoặc ở dạng làm sẵn, người dùng chỉ cần hâm nóng lên. Dù ở dạng nào đi nữa, phần ăn sơ chế sẵn như vậy giúp quá trình nấu nướng tại nhà trở nên nhanh gọn.

Làm sao để tạo ứng dụng giao đồ ăn

Giao đồ ăn là một thị trường “nóng”. Dù thị trường trông có vẻ đang bão hòa, nhưng thực tế, luôn có đất cho những ý tưởng đột phá. Đó là chưa kể, còn nhiều quốc gia mà ứng dụng giao đồ ăn chưa bung hết khả năng. Trước khi bắt tay phát triển một ứng dụng giao đồ ăn mới, hãy cùng chúng tôi điểm qua các việc cần làm.

  • Kiểm chứng ý tưởng: Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm thị trường ngách và đảm bảo ứng dụng cung cấp một dịch vụ/đem lại một giá trị độc đáo — đủ để khác biệt với ứng dụng của đối thủ. Nếu bạn là chủ cửa hàng, thì có một ý tưởng tương đối đơn giản là, bạn chỉ bán hàng qua ứng dụng riêng. Cho dù ý tưởng của bạn là gì, hãy nghiên cứu thị trường để thấy chắc chắn hơn với ý tưởng.
  • Chọn công cụ phát triển ứng dụng: Có nhiều cách để phát triển một ứng dụng. Bạn có thể phát triển ứng dụng từ đầu, nhưng việc này sẽ tốn nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm. Chưa kể, chi phí rất tốn kém, từ hàng chục nghìn đô-la trở lên. Bạn có thể tham khảo các nền tảng low-code và no-code đang rất được ưa chuộng, vì giúp đẩy nhanh quá trình đưa ứng dụng ra thị trường. Nếu bạn là chủ cửa hàng và muốn nhanh phát hành ứng dụng, thì đây có lẽ là lựa chọn tối ưu. Đừng quên, tùy thuộc vào số lượng chức năng mà bạn cần, bạn có thể phải tạo nhiều hơn một ứng dụng — một cho thực khách, một cho tài xế, và thậm chí thêm một cho nhân viên cửa hàng.
  • Chọn tính năng: Bên cạnh các tính năng mà mọi ứng dụng đều có, như đặt hàng và thanh toán qua ứng dụng, bạn cần cân nhắc đến các tính năng khác nếu muốn ứng dụng có điểm mới lạ. Nhưng cũng đừng quên các tính năng cực kỳ cơ bản nhưng cực kỳ cần thiết, chẳng hạn như tìm kiếm. Hãy thiết kế công cụ tìm kiếm sao cho người dùng có thể dễ dàng tìm thấy món ăn họ cần.
  • Kiểm thử MVP: Trước khi bỏ công bỏ sức để hoàn thiện ứng dụng, hãy cân nhắc kiểm thử MVP (minimum viable product, phiên bản rút gọn của ứng dụng, có đủ chức năng tối thiểu). Việc đưa ra MVP giúp nhà phát triển thăm dò ý kiến của người dùng và thu thập dữ liệu, từ đó xác định các điểm cần cải thiện.
  • Phát hành mềm ứng dụng (soft-launch): Sau khi có được dữ liệu từ MVP, bạn có thể phát triển phiên bản đầy đủ của sản phẩm và phát hành ứng dụng trước cho một tệp người dùng nhất định. Ví dụ, bạn muốn phát hành ứng dụng trên toàn nước Mỹ? Vậy hãy phát hành thử ứng dụng tại New Zealand. Nếu bạn chưa tính xa đến vậy, thì có thể đưa ứng dụng cho một số người dùng quen thuộc — giả như khách quen của cửa hàng — để nhận góp ý và khắc phục lỗi.

Với dữ liệu thu được từ đợt phát hành mềm, đã đến lúc hoàn thiện sản phẩm và phát hành rộng rãi. Để đọc thêm về đề tài này, vui lòng tham khảo bài “Phát triển ứng dụng: từ nghiên cứu thị trường đến xác định cơ chế kiếm tiền.”

Chạy marketing cho ứng dụng giao đồ ăn: Cần bắt đầu từ đâu

1. Xác định người dùng mục tiêu

Khi xây dựng chiến lược marketing cho ứng dụng giao đồ ăn, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định người dùng mục tiêu. Bạn cần kiểm thử các nội dung quảng cáo, qua đó biết được đặc điểm nhân khẩu học của người dùng, cũng như xu hướng phù hợp với ứng dụng. Bạn cũng cần nghiên cứu đối thủ. Kết quả nghiên cứu cần cho biết, tệp người dùng nào khó tiếp cận, và tệp người dùng nào hiện không phải là mục tiêu chính của ứng dụng đối thủ.

Một câu hỏi quan trọng khác là, bạn sẽ làm việc với các bên cung ứng đồ ăn như thế nào. Nếu bạn sở hữu một ứng dụng khám phá (tìm cửa hàng, xem đánh giá, v.v.), thì cách bạn làm việc với bên cung ứng sẽ khác với khi bạn sở hữu ứng dụng giao đồ ăn. Để có một “phần móng” vững chắc cho chiến dịch, bạn cần trả lời tất cả câu hỏi trên. Bạn cũng cần tạo chân dung người dùng (user persona) để tiếp cận được nhiều đối tượng người dùng khác nhau.

2. Xác định USP

Sau khi xác định được người dùng mục tiêu, bạn sẽ biết bạn cần tập trung vào những điểm nào để tạo lợi thế bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition). USP làm ứng dụng trở nên nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ cho người dùng, họ có thể quyết định chọn ứng dụng của bạn thay vì các ứng dụng khác. USP giúp bạn tạo thông điệp, chọn kênh marketing và truyền tải lợi ích của ứng dụng. USP của ứng dụng giao đồ ăn thường về tốc độ giao hàng, loại đồ ăn và giá cả.

USP nên chú trọng ba điểm sau:

  • Nhu cầu của người dùng mục tiêu
  • Ứng dụng giao đồ ăn của bạn làm tốt ở những điểm nào
  • Ứng dụng giao đồ ăn của đối thủ làm không tốt ở những điểm nào
  • Ứng dụng của đối thủ có mặt trước trên thị trường và đã có tiếng tăm nhất định. Do vậy, bạn phải thể hiện ra được USP trong mọi yếu tố thương hiệu. Ví dụ, bạn có thể đưa USP vào tên ứng dụng và tagline, người dùng đọc vào có thể hình dung ra ngay lý do họ cần đến ứng dụng của bạn — ngay cả khi họ đang sử dụng ứng dụng của đối thủ. Việc này càng quan trọng nếu bạn xem xét dữ liệu về thị phần, nhiều ứng dụng giao đồ ăn đã chiếm được một thị phần đáng kể tại thị trường Mỹ, chẳng hạn như Uber Eats (25,2%), GrubHub (26,7%) và DoorDash (27,6%).

Chọn kênh marketing cho chiến lược quảng bá ứng dụng giao đồ ăn

Một chiến lược quảng bá thường bao gồm phát triển nội dung, hoạt động trên mạng xã hội, thu hút người dùng mới và xây dựng thương hiệu. Dưới đây là sáu kênh marketing mà bạn cần sử dụng để có một chiến lược quảng bá tốt.

Landing page

Các ứng dụng giao đồ ăn thành công thường có chung một điểm, đó là có một trang web hoạt động đồng thời với ứng dụng di động. Người dùng có thể sử dụng dịch vụ qua máy tính và điện thoại, sao cho phù hợp nhất với họ. Nếu không, bạn có thể tạo một landing page để chuyển hướng người dùng đến ứng dụng và mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Ví dụ, Uber Eats và Just Eat đều quảng bá ứng dụng trên các panel lớn ở landing page. Quảng cáo của Just Eat khuyến khích người dùng tải ứng dụng để “đặt hàng nhanh hơn và nhận đề xuất món ăn phù hợp hơn”. Just Eat còn dành một trang riêng trên trang web để nêu bật lợi ích của ứng dụng.

Blog

Nếu trang web của bạn có mục blog, thì bạn cần cập nhật blog thường xuyên. Blog là một phương án tuyệt vời để tăng nhận thức thương hiệu và giới thiệu giá trị của công ty đến người dùng. Đối với các phân khúc ứng dụng như thể hình (fitness) và thời trang, họ có nhiều ý tưởng để viết blog. Nhưng đối với phân khúc giao đồ ăn, thì mọi chuyện có phần phức tạp hơn. Bạn có thể nghiên cứu đối thủ và phân tích tệp người dùng để có ý tưởng cho blog.

Nếu chọn đúng nội dung cho blog, thì bạn có thể làm tăng lượng truy cập blog và giữ chân người dùng. Just Eat thường đăng blog về các hoạt động từ thiện, chế độ dinh dưỡng và các thông báo mới nhất liên quan đến công ty. Nội dung blog của Uber Eats cũng tương tự, ngoài ra còn cập nhật thêm tin về các cuộc thi và tin tức địa phương. Uber Eats còn có mục riêng để người dùng có thể cùng nhau giải trí và chia sẻ.

ASO

ASO (App Store optimization) là một công cụ quan trọng khác của chiến lược quảng bá. ASO hoạt động tương tự như SEO. Nếu nhiệm vụ của SEO là sử dụng từ khóa để tăng lượt truy cập tự nhiên (organic traffic) vào trang web, thì nhiệm vụ của ASO là tăng lượt cài đặt tự nhiên trên App Store and Google Play Store. Bạn có thể áp dụng các cách sau để triển khai công cụ này một cách hiệu quả nhất:

  • Sử dụng từ khóa có chứa tên và phần mô tả ứng dụng: Bạn cần nạp vào thuật toán của app store các thông tin cần thiết để thu hút người dùng tự nhiên (organic user).
  • Liệt kê tính năng và công dụng của ứng dụng, cũng như USP trong phần mô tả: Bạn cần giải thích tại sao người dùng nên cài ứng dụng của bạn, chứ không phải một ứng dụng nào khác.
  • Bổ sung ảnh chụp màn hình và video có hình họa đặc sắc và thu hút: Bạn cần thiết kế sao cho ứng dụng trông thật sinh động trên app store và cung cấp thông tin về nội dung bên trong ứng dụng.
  • Bản địa hóa: Dịch ứng dụng sang ngôn ngữ bản địa, đảm bảo ứng dụng luôn phù hợp với nhiều thị trường.
  • Sử dụng danh mục phụ và danh mục chính: Đảm bảo người dùng có thể tìm thấy ứng dụng khi tìm kiếm theo phân khúc. Bạn cần sử dụng đúng danh mục để ứng dụng hiện ra trên thanh tìm kiếm của người dùng, qua đó tăng lượt cài đặt tự nhiên. Bạn cũng có thể thêm danh mục phụ cho ứng dụng và sử dụng các công cụ khác để người dùng tự nhiên dễ dàng tìm ra ứng dụng.

Mục đánh giá cũng giúp ứng dụng tăng hạng trên app store. Nếu người dùng tương tác tích cực với ứng dụng, thì bạn có thể gửi họ một lời nhắn in-app và chuyển hướng họ đến mục đánh giá trên app store. Nếu họ đánh giá cao và để lại bình luận tốt, thì những người khác có thể dựa trên đó để quyết định tải ứng dụng về.

Marketing qua mạng xã hội

Nhà quảng cáo có thể sử dụng mạng xã hội để đến gần hơn với người dùng, cung cấp dịch vụ cao cấp và chia sẻ thông tin về chương trình khuyến mại. 90% người dùng mạng xã hội đều sử dụng kênh này để xem các thông tin về nhãn hàng và thương hiệu, và 63% khách hàng hy vọng các nhãn hàng cung cấp dịch vụ qua mạng xã hội. Bạn có thể tham khảo ba phương án sau để tăng nhận diện trên mạng xã hội.

  1. Influencer marketing: Influencer marketing là hoạt động hợp tác với những người nổi tiếng hoặc có lượng người theo dõi nhất định trên mạng xã hội (hay gọi chung là những người có sức ảnh hưởng). Hoạt động này hiện trị giá từ 5 - 10 tỷ USD trên toàn thế giới. Bạn có thể hợp tác với một đầu bếp lừng danh để quảng cáo ứng dụng trên Twitter, hoặc một chuyên gia ẩm thực trên Instagram. Influencer marketing ngày càng phổ biến, có đến 17% công ty dành hơn một nửa ngân sách quảng cáo để chi trả cho người có sức ảnh hưởng. Sau khi xác định được người dùng mục tiêu thường theo dõi người có sức ảnh hưởng nào, bạn cần lên kế hoạch hợp tác. Ví dụ, bạn có thể đề nghị cung cấp dịch vụ miễn phí, với điều kiện là họ có nhắc đến ứng dụng của bạn khi đăng bài. Hoặc thỏa thuận đặt quảng cáo trên một số lượng bài đăng nhất định.
  1. Dịch vụ chăm sóc khách hàng: Hiện nay, nhiều người xem mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống: 38,4% người Mỹ hiện đang sử dụng Facebook Messenger, còn người dùng Instagram lên nền tảng này trung bình 53 phút mỗi ngày. Do vậy, mỗi khi có câu hỏi hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin, nhiều người thường muốn liên hệ với doanh nghiệp qua mạng xã hội. Để phục vụ tốt khách hàng, bạn nên tạo thêm một kênh liên lạc trên mạng xã hội.
  2. Khuyến mại và tổ chức các cuộc thi: Đưa mạng xã hội vào chiến lược quảng bá là một cách để chia sẻ rộng rãi thông tin về các chương trình khuyến mại và cuộc thi. Gần như mọi ứng dụng giao đồ ăn hiện nay đều sử dụng mạng xã hội theo cách này, nhằm tăng lượt truy cập vào ứng dụng.

Khi xây dựng chiến lược quảng bá ứng dụng giao đồ ăn trên mạng xã hội, đừng bỏ qua lợi thế lớn nhất của đồ ăn: nếu được trình bày và chụp đúng cách, thì đồ ăn sẽ trông cực kỳ bắt mắt và ngon miệng. Mọi người cũng thường thích nhìn những tấm ảnh chụp đồ ăn hấp dẫn trên tường nhà mình. Hastag #food trên Instagram hiện đã có gần 400 triệu người sử dụng, còn #foodie cũng có hơn 150 triệu người.

Email marketing

Email marketing cũng là một phương pháp marketing giúp bạn kết nối với người dùng. Khảo sát của HubSpot, cho biết, “hơn 50% người dùng tại Mỹ kiểm tra email hơn 10 lần mỗi ngày, và đến nay họ vẫn chuộng nhận thông báo của doanh nghiệp qua email nhất”. Ứng dụng giao đồ ăn có thể sử dụng email marketing theo hai cách sau.

Gửi ưu đãi/khuyến mại cho người dùng: Bạn cũng có thể sử dụng email để chia sẻ thông tin về chương trình khuyến mại và cuộc thi. Cách này giúp ứng dụng thu hút được đông đảo người dùng quan tâm và truy cập lại ứng dụng.

Cập nhật tin tức: Người dùng có thể để lại email để nhận tin tức mới nhất từ ứng dụng. Bên cạnh tin tức, bạn cũng có thể gửi các bài blog mới nhất hoặc gợi ý người dùng theo dõi trang mạng xã hội của ứng dụng.

Email marketing thành công trong việc tiếp cận người dùng bởi vì, người dùng chỉ nhận được email khi chính họ muốn vậy (bằng cách đăng ký nhận tin). Khi bạn đăng bài trên mạng xã hội, bạn không chắc ai đọc tin cũng đều có hứng thú. Nhưng khi bạn gửi bài qua email, thì bạn có thể chắc rằng, mọi người nhận đều quan tâm đến nội dung bài. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kiểm thử nội dung của email bằng phương pháp A/B và xác định cách viết email hiệu quả nhất.

Chiến lược UA trả phí: Xác định người dùng quan trọng nhất

Tăng trưởng người dùng (UA) là hoạt động tăng số lượng người dùng mới. Nghĩa là, bao gồm các hoạt động quảng cáo và ưu đãi nhằm làm tăng số lượt cài đặt ứng dụng. Đây là một hoạt động quan trọng trong mọi kế hoạch marketing, và thường được xây dựng dựa trên căn cứ là dữ liệu. Bạn cần phân tích dữ liệu và xác định mẫu hành vi chung của người dùng để đạt được mục tiêu tăng trưởng ứng dụng, tăng tỷ lệ duy trì và doanh thu. Adjust có nhiều giải pháp trợ giúp bạn. Ví dụ, Adjust có giải pháp tên Audience Builder. Đây là giải pháp phân nhóm người dùng dựa trên dữ liệu. Từ kết quả phân nhóm, bạn có thể tạo tệp người dùng có đặc điểm giống với người dùng hiện tại (lookalike audience) và đạt kết quả marketing tốt hơn.

Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, thì bạn có thể đọc thêm bài viết “Meals on mobile: The state of Food Delivery apps in 2022” và hướng dẫn các kiến thức cơ bản của chúng tôi.

Chúng tôi cũng vừa xuất bản Partner Benchmark đầu tiên: Báo cáo hiệu suất dành cho doanh nghiệp hướng về dữ liệu. Partner Benchmark cung cấp thông tin chi tiết về chiến lược mua quảng cáo và tổ hợp kênh quảng cáo có hiệu quả hoạt động cao. Tìm hiểu thêm tại đây: Adjust Partner Benchmarks

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.