Blog Cách xác định và tiếp cận đối tượng mục ...

Cách xác định và tiếp cận đối tượng mục tiêu của ứng dụng

Để sản phẩm tiếp cận được người dùng đang quan tâm, bạn cần triển khai nhiều phương án: từ chạy quảng cáo trên thiết bị di động đến thực hiện chiến dịch trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi có đến 3,48 triệu ứng dụng trên Google Play Store và 2,22 triệu ứng dụng dành cho iOS, thì cuộc chiến khốc liệt giành người dùng không phải là câu chuyện của riêng ngành nào. Tầm quan trọng của việc xác định đối tượng mục tiêu và tìm phương án tiếp cận đang được đẩy cao hơn bao giờ hết. Hướng dẫn này có đủ thông tin cần thiết về cách xác định đối tượng mục tiêu, cũng như giải pháp hiệu quả để hoàn thiện dần khả năng tiếp cận người dùng.

Tại sao cần phải xác định đối tượng mục tiêu?

Ngay cả khi sở hữu sản phẩm độc nhất trên thế giới, bạn vẫn cần tìm ra cách kết nối giá trị của một sản phẩm với đối tượng sử dụng. Bạn cần suy nghĩ về đối tượng mục tiêu ngay từ lúc bắt đầu để xác định hướng xây dựng tính năng cho ứng dụng, thiết kế UX/UI và mô hình kiếm tiền.

Hãy bỏ chút thời gian để xác định đúng đối tượng mục tiêu, từ đó mở rộng quy mô ứng dụng nhanh hơn. Hơn nữa, thu thập dữ liệu và tìm hiểu về xu hướng hành vi (behavioral trend) cũng giúp làm tăng hiệu quả chiến lược nhắm mục tiêu (targeting). Ví dụ, với các công cụ phân khúc đối tượng, bạn có thể tạo lookalike audience, từ đó tiếp cận người dùng có mô tả tương tự với người dùng hiện tại – những người quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.

Cách xác định đối tượng mục tiêu

  1. Hiểu giá trị của sản phẩm: Bước đầu tiên trong việc xác định đối tượng mục tiêu là hiểu sản phẩm một cách toàn diện. Chỉ liệt kê tính năng của sản phẩm là chưa đủ, mà bạn còn phải đặt câu hỏi, ứng dụng của bạn đem lại giá trị gì cho từng nhóm người dùng khác nhau. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi như:

    Sản phẩm của tôi làm được gì?

    Điều gì khiến sản phẩm trở nên khác biệt?

    Tại sao người dùng lại cần tải ứng dụng về?

    Đối tượng mục tiêu là những người sẽ nhận được một giá trị nào đó từ sản phẩm. Vì vậy, các câu hỏi quan trọng trên cần được cân nhắc ngay từ đầu. Bạn cũng có thể tìm câu trả lời qua kết quả nghiên cứu thị trường và sự thay đổi hành vi của người dùng. Đây là hướng đi cần thiết để tạo nền tảng cho kế hoạch phát triển lượt cài đặt và doanh thu.

  2. Nghiên cứu thị trường: Nghiên cứu thị trường là một bước quan trọng để hoàn tất việc xác định đối tượng mục tiêu. Nghiên cứu giúp bạn phân tích đối thủ cạnh tranh: sản phẩm/dịch vụ, điểm thiếu sót và thị trường họ đã thành công. Sau khi tìm hiểu vấn đề và khó khăn của đối thủ, bạn có thể biết được điểm sáng của ứng dụng khi đặt lên bàn cân so sánh.

    Ngoài việc tìm hiểu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, bạn cũng nên xem cách họ tiếp cận người dùng, nếu như nghiên cứu thị trường có thể mang lại thông tin đó. Đó có thể là cách họ hoạt động trên mạng xã hội hay cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng trong ứng dụng.

  3. Xác định đặc điểm nhân khẩu của đối tượng mục tiêu: Sau bước nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu để xác định đối tượng mục tiêu, bạn cần nhóm đối tượng theo đặc điểm nhân khẩu và sở thích. Dưới đây là các yếu tố quan trọng nhất giúp bạn nhóm đối tượng chính xác hơn:

    **Vị trí:**Khu vực sinh sống của người dùng có tác động quan trọng đến sở thích và xu hướng hành vi. Yếu tố này tác động đến mọi chỉ số của ứng dụng, từ mức độ phổ biến cho đến thời lượng sử dụng trung bình và thói quen chi tiêu. Tùy ứng dụng hướng tới mục tiêu nào mà bạn cần thông tin chi tiết đến cấp độ khu vực, quốc gia, bang, quận hoặc thành phố.

    Độ tuổi: Đây lại là một yếu tố quan trọng khác có thể làm thay đổi thiết kế, tính năng, và mô hình kiếm tiền của ứng dụng. Độ tuổi thường được phân nhóm theo thế hệ.

    Giới tính: Ngay cả khi bạn muốn ứng dụng hướng tới tất cả nhóm giới tính, thì đây vẫn là một yếu tố cần thiết trong phân khúc người dùng. Sử dụng yếu tố này giúp bạn xây dựng chiến lược khác nhau cho từng nhóm giới tính.

    Ngôn ngữ: Cần có bước bản địa hóa trong hành trình mở rộng quy mô doanh nghiệp. Có hàng nghìn ngôn ngữ được dùng để giao tiếp trên thế giới, vì vậy tạo ra một ứng dụng mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng là bất khả thi. Yếu tố này thường đi đôi với yếu tố vị trí. Một ứng dụng có nhiều tùy chọn ngôn ngữ sẽ sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng.

    Trình độ học vấn: Trình độ học vấn của người dùng sẽ tác động đến một số yếu tố như khả năng đọc trung bình (average reading level). Bạn cần xem xét yếu tố này để truyền đạt sản phẩm một cách dễ hiểu đến người dùng.

    Sở thích: Nếu bạn chi tiền để chạy quảng cáo nhưng người xem lại không hứng thú với ứng dụng đó, thì mọi nỗ lực sẽ đổ sông đổ biển. Vì vậy, bạn cần tiếp cận những người đã có hứng thú với sản phẩm tương tự. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh sản phẩm để phù hợp hơn, cho phép người dùng tận dụng tính năng của ứng dụng. Sở thích của người dùng cũng nên được cân nhắc khi thiết kế ad creative.

    Thiết bị: Bạn cũng có thể tiếp cận người dùng theo loại thiết bị. Yếu tố này càng quan trọng nếu ứng dụng chỉ chạy trên Android hoặc iOS.

    Tình trạng hôn nhân: Yếu tố này có thể đóng góp ít nhiều, vì tình trạng hôn nhân và hoàn cảnh gia đình có thể thay đổi cách thức phân bổ thời gian và thu nhập của một người.

    Nghề nghiệp: Nghề nghiệp sẽ quyết định đến thu thập và cách mỗi người sử dụng ứng dụng. Bạn nên xem xét yếu tố này khi xây dựng mô hình kiếm tiền và các thao tác trên ứng dụng.

  4. Xây dựng chân dung người dùng: Sau bước xác định đặc điểm nhân khẩu là bước tìm hiểu xu hướng hành vi thường gặp ở nhóm đối tượng này. Ví dụ, thời gian sử dụng thiết bị và cách tiêu tiền của từng người sẽ khác nhau tùy vào khu vực sinh sống, độ tuổi, và mức thu nhập. Các yếu tố trên là căn cứ để bạn tiếp cận và kết nối với người dùng theo cách phù hợp với thói quen của họ. Thường thì người làm marketing sẽ nhắm đến nhiều hơn một nhóm đối tượng, vì vậy một phương án chung cho
    tất cả các nhóm sẽ không mang lại kết quả tốt nhất. Thay vào đó, bạn có thể tạo chân dung người dùng (user persona) để xác định nhóm người dùng khác nhau và "vẽ" hành trình riêng biệt cho từng nhóm. Khi tạo chân dung người dùng, bạn có thể xem xét các đặc điểm tâm lý sau:

    Tính cách: Dù bạn đã lọc đối tượng mục tiêu theo đặc điểm nhân khẩu, nhưng vì chín người mười ý, nên bạn có thể lưu tâm yếu tố này để chạy chiến dịch nhắm mục tiêu được chính xác hơn.

    Giá trị: Điều gì ở ứng dụng mang lại giá trị và lợi thế cho người dùng? Ví dụ, trong trường hợp người dùng thường ưu tiên mua các mặt hàng thay thế và có giá mềm hơn sản phẩm cao cấp, thì ứng dụng mua sắm có thể hiển thị các sản phẩm giảm giá nhiều hơn đến đối tượng này.

    Xu hướng hành vi: Yếu tố này bao gồm thời gian sử dụng thiết bị, loại ứng dụng, và thời gian sử dụng từng ứng dụng. Xu hướng hành vi cũng cần được đưa vào điểm chuẩn để đánh giá hiệu quả của ứng dụng và xác định điểm cần cải thiện.

  5. Bắt đầu quảng cáo sản phẩm: Sau khi đã cân nhắc đủ các bước ở trên, thì bạn có thể bắt đầu chạy quảng cáo và thử nghiệm xem điều gì là phù hợp với người dùng. Điểm cần lưu ý khi chạy quảng cáo ứng dụng là bạn cần linh hoạt thay đổi theo kết quả phân tích — ngay cả khi kết quả không như mong đợi — và kiên trì sử dụng dữ liệu trong cách làm marketing. Khi triển khai chiến dịch, bạn có thể nhân cơ hội này để hiểu đúng hơn về thị hiếu của người dùng và tìm ra cách để tối ưu hóa sản phẩm, từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho người dùng.

    Bạn cũng có thể tương tác với người dùng và hỏi về cảm nhận khi sử dụng ứng dụng, để biết chính xác những điểm mà sản phẩm và chiến lược marketing cần được cải thiện. Ví dụ, bạn có thể kết nối với người dùng qua mạng xã hội, nghe người dùng chia sẻ về điều họ thích và không thích ở ứng dụng. Bạn cũng có thể gửi biểu mẫu thu thập ý kiến để người dùng đưa ra đề xuất hoặc chia sẻ vấn đề họ gặp phải trong lúc sử dụng ứng dụng.

Xác định đối tượng mục tiêu cho ứng dụng: 3 phương án hiệu quả nhất

  1. Sử dụng công cụ theo dõi/phân tích để tích lũy thông tin: Sau khi phân loại xong đối tượng mục tiêu, bạn có thể thu thập dữ liệu và tiến hành phân tích để hiểu cặn kẽ hơn. Khi theo dõi hiệu quả hoạt động của ứng dụng, bạn có thể biết được tính năng nào đang chiếm được cảm tình của người dùng và tính năng nào không. Mobile Analytics cung cấp chỉ số về mức độ tương tác của người dùng với ứng dụng, bao gồm thời lượng phiên truy cập, tỷ lệ duy trì, tỷ lệ rời bỏ, số lượt cài đặt, và ROAS. Kết quả phân tích giúp tối ưu hóa chỉ số và mở rộng quy mô kinh doanh. Trên đây là các bước sử dụng dữ liệu trong marketing, hướng đi giúp bạn kết nối với người dùng.

    Thêm nữa, bạn có thể hợp tác với một đối tác đo lường di động để tạo lookalike audience. Ví dụ, Audience Builder của Adjust là công cụ hiệu quả để chạy chiến dịch tái tương tác (retargeting), cho phép bạn tạo, tải xuống, và chia sẻ danh sách người dùng. Bạn có thể đặt điều kiện để phân khúc người dùng và tạo danh sách theo nhóm để chia sẻ với đối tác của chiến dịch tái tương tác và thử nghiệm A/B.

  2. Tìm hiểu khả năng nhắm mục tiêu của mạng quảng cáo: Mạng quảng cáo (ad network) có nhiều phương án nhắm mục tiêu mà bạn có thể sử dụng để chạm đến người dùng. Ví dụ, Facebook sẽ tự động hiển thị quảng cáo đến người dùng có liên quan đến sản phẩm của bạn, nhưng bạn cũng có thể tự thêm bộ lọc vào đích đến của quảng cáo. Bạn có thể phân khúc người dùng trên Facebook theo vị trí, hành vi, đặc điểm nhân khẩu, sở thích, tính liên kết với một sự kiện cụ thể, và trang Facebook. Bạn có thể tạo Core Audience (dựa theo độ tuổi, sở thích, và vị trí địa lý), Custom Audience (những người đã từng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty), và Lookalike Audience (người dùng mới nhưng có cùng sở thích với người dùng chủ chốt).

  3. Thử nghiệm A/B là gia vị quan trọng trong công thức thành công: Sau bước nghiên cứu và triển khai chiến dịch quảng cáo, bước tiếp theo bạn cần làm là thử nghiệm A/B để cải thiện dần hiệu quả của ứng dụng. Các đối tượng của thử nghiệm A/B là mạng quảng cáo, creative, và đặc điểm nhân khẩu. Một quy trình thử nghiệm A/B bao gồm năm bước

    1. Xây dựng giả thuyết: Từ dữ liệu nghiên cứu và phân tích, bạn có thể xây dựng giả thuyết xoay quanh kết quả của thử nghiệm A/B.
    2. Phân khúc đối tượng: Bạn có thể tách người dùng có hành vi giống nhau thành hai nhóm. Mỗi nhóm sẽ tương tác với một phiên bản của ad creative.
    3. Phân tích: Khi chiến dịch được triển khai, bạn có thể tiến hành phân tích kết quả để kiểm tra giả thuyết.
    4. Thay đổi nếu cần Bạn có thể thay đổi ad creative và phương án nhắm mục tiêu dựa trên kết quả thu được.
    5. Sửa đổi giả thuyết và lặp lại thử nghiệm: Với lượng thông tin mới, bạn lại lần nữa xây dựng giả thuyết và tiếp tục điều chỉnh để thu về kết quả tốt hơn.

Bạn có thể đọc thêm về thử nghiệm A/B trong hướng dẫn của chúng tôi. Hướng dẫn bao gồm phân tích chi tiết chu trình thử nghiệm và phương án hiệu quả để đạt được kết quả tối ưu. Chúng tôi còn có bài viết về Cách xây dựng chiến lược phân bổ với iOS 14.5.


Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.