Blog Các chiến lược kiếm tiền từ mobile game

Các chiến lược kiếm tiền từ mobile game

Theo báo cáo của AppAnnie, người dùng trên toàn thế giới chi 116 tỷ USD vào mobile game trong năm 2021. Như vậy, so với năm 2020 – một năm tăng trưởng đầy ấn tượng của mobile game, khi nhiều người chọn chơi game để giết thời gian ở nhà chống dịch – số tiền người dùng đổ vào game tăng đến 16 tỷ USD. Forbes cũng cho biết, người dùng điện thoại thông minh chi trung bình 9 USD mỗi tháng để mua vật phẩm trong các tựa game miễn phí.

Mặc dù nhiều nhà phát hành nhìn thấy được dòng doanh thu từ mobile game, nhưng lại không biết làm cách nào để kiếm tiền thành công từ loại game này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua một số chiến lược kiếm tiền, giúp nhà phát triển tối ưu hóa cơ chế kiếm tiền của game.

Cơ chế kiếm tiền là gì?

Cơ chế kiếm tiền là cơ chế giúp mobile game tạo ra doanh thu. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng để có một cơ chế kiếm tiền tốt, bạn cần tính toán kỹ lưỡng. Trong quá trình phát triển game, bạn nhất định phải xem xét các phương pháp kiếm tiền.

Hai ví dụ về chiến lược kiếm tiền:

  1. Tạo các thử thách và qua đó giới thiệu các bản nâng cấp freemium.
  2. Hiển thị interstitial ad khi người chơi tạm dừng game.

Để tăng doanh thu, bạn cần hiểu rõ cơ chế kiếm tiền và cách tối ưu hóa chiến lược cho từng tệp người dùng.

Làm sao để kiếm tiền từ mobile game?

Mobile game có nhiều thể loại, và mỗi thể loại có cách tạo doanh thu riêng. Các chiến lược kiếm tiền phổ biến bao gồm free-to-play — doanh thu đến hoàn toàn từ quảng cáo, giao dịch in-app (in-app purchase) và đăng ký trả phí (subscription) — người chơi phải mua thuê bao để chơi game. Trong phần này, chúng tôi sẽ phân tích một số mô hình và các thể loại game phù hợp với từng mô hình.

Mô hình và xu hướng kiếm tiền

Hầu hết nhà phát triển sử dụng nhiều hơn một mô hình để tạo doanh thu từ game. Họ sẽ lựa chọn mô hình tương ứng với từng tệp người dùng.

Tại sao?

Người dùng nào cũng tạo ra doanh thu, nhưng có một số người tạo ra doanh thu nhiều hơn những người còn lại. Ví dụ, nữ thường chi nhiều tiền cho game hơn nam. 60% người dùng chơi game hàng ngày, và 36% trong số đó chi tiền khi chơi game. Do vậy, khi xây dựng mô hình kiếm tiền, tìm hiểu kỹ về người dùng tiềm năng và sở thích của họ là cần thiết.

Dưới đây là các cách phổ biến và hiệu quả nhất để tạo doanh thu từ game.

Game có quảng cáo (Ad-supported game)

Mô hình kiếm tiền này không xa lạ gì với những người thường chơi game. Họ được tải game về miễn phí và sẽ gặp quảng cáo trong quá trình chơi game, như khi qua màn hay khi tạm dừng game.

Các loại game có quảng cáo

Mô hình này rất dễ bắt gặp trong các game hyper-casual và game casual. Đây là các game đơn giản, cho nên người dùng thường không muốn bỏ tiền mua thuê bao hay mua vật phẩm/mua màn chơi mới.

Trong ví dụ trên, có hai loại quảng cáo được sử dụng cho trò TangleMaster. Quảng cáo bên trái có dạng banner ad và được đặt ở cuối màn hình. Quảng cáo bên phải là interstitial video ad và được dùng để quảng cáo game khác.

Game freemium

Nếu game sử dụng mô hình này, tức là người dùng có thể tải và chơi game miễn phí. Sau đó, nếu người dùng muốn chơi các màn chơi đặc biệt, nhận thêm mạng, bỏ qua màn chơi khó, hoặc có thêm các tính năng thú vị khác, thì cần chi tiền mua (giao dịch in-app). Mô hình freemium được sử dụng phổ biến ở nhiều thể loại game. Nhà phát triển có thể kết hợp mô hình này với quảng cáo để tạo thêm doanh thu, hoặc sử dụng mô hình này làm bước đệm khuyến khích người dùng mua thuê bao.

Candy Crush thuộc thể loại game casual, và như các tựa game cùng loại, Candy Crush cũng kiếm tiền chủ yếu qua các giao dịch in-app của người dùng. Ví dụ, game sẽ đề xuất người dùng mua thêm mạng hoặc nâng cấp phần thưởng in-game.

Game trả phí (Paid game)

Ý tưởng kiếm tiền của game trả phí rất đơn giản: người dùng phải mua game để chơi. Đối với mobile game, người dùng phải bỏ tiền để tải game về điện thoại. Người dùng có thể chỉ cần chi một khoản nhỏ (0,99 USD) để tải game hoặc chi nhiều hơn (15,99 USD) để sử dụng toàn bộ tính năng của game.

Nhiều tựa game kết hợp các mô hình kiếm tiền để tăng doanh thu. Ví dụ, Ticket to Ride là một board game khá nổi tiếng, và giờ đã được phát triển thành ứng dụng riêng. Game sử dụng cả mô hình trả phí (người dùng trả tiền để tải game) lẫn mô hình giao dịch in-app (người dùng trả tiền để sử dụng một số tính năng).

Game tính phí (Subscription game)

Có hai cách triển khai mô hình đăng ký trả phí (subscription). Ở cách đầu tiên, người chơi chỉ có thể chơi game sau khi mua thuê bao. Còn ở cách thứ hai, người dùng có thể chơi game bình thường, nhưng có thể mua thuê bao để không phải xem quảng cáo. Hãy cùng xem xét ba loại thuê bao phổ biến nhất cho mobile game.

Các loại game tính phí
  • Individual subscriptions: Người dùng mua thuê bao cho một game duy nhất, theo tháng hoặc theo năm.
  • Umbrella subscriptions: Người dùng mua thuê bao để chơi nhiều game cùng lúc, đó có thể là các game của cùng nhà phát hành hoặc các game được cung cấp bởi bên thứ ba, ví dụ Apple Arcade.
  • Battle pass subscriptions: Người dùng mua “battle pass” để nhận thưởng. Họ cần chơi và qua màn để nhận thưởng trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là cách để khuyến khích người dùng vào chơi thường xuyên.

Nhìn xa hơn khi xây dựng chiến lược kiếm tiền

Trước khi phát hành bất kỳ ứng dụng game nào, nhà phát triển cần xem xét kỹ lưỡng cơ chế kiếm tiền của game. Nhà phát triển không nên chỉ nghĩ về việc “game này có thể mang về bao nhiêu tiền?” Nhà phát triển còn cần phải tìm giải pháp để cơ chế kiếm tiền mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Nếu mô hình kiếm tiền có thể tạo cảm giác chơi game thoải mái và vui vẻ, thì doanh thu sẽ cứ thế mà tăng.

Để tìm hiểu thêm về thị trường và chiến lược kiếm tiền từ game, bạn có thể tham khảo bài viết Hướng dẫn mobile game marketing 2022: thông tin bổ ích và phương án triển khai hiệu quả nhất.

Bạn muốn nhận thông tin mới nhất theo tháng? Đăng ký để nhận tin qua mail.